Chuyển tới nội dung

Học Tarot – dành cho người muốn bắt đầu

  • Az 
Dành cho người muốn bắt đầu học Tarot

1. Lời chào từ reader Az

Việc đầu tiên mình nghĩ các bạn nên làm là hãy tạm bỏ qua những lý do riêng của mình khi tính tới học Tarot, cũng nên tạm bỏ qua việc bạn chưa có nhiều hiểu biết, kiến thức về những lá bài huyền bí đó. Chỉ cần tập trung vào một việc quan trọng nhất: bạn đang bước một bước chân đầu của mình vào thế giới bao la của Tarot, và mình – với tư cách là một người đang ở sẵn trong đó – xin được gửi tới bạn một lời chào. Bạn may mắn hơn mình rất nhiều rồi, trước đây không có ai chào mình đâu.

Những việc tiếp theo, xin bạn hãy đi theo tuần tự từng mục phía dưới. Đó là những kinh nghiệm cá nhân của mình có thể giúp bạn dễ dàng hơn, nhẹ nhàng hơn và cũng ít thất bại hơn khi bước tiếp những bước chân thứ hai, thứ ba… Tới đây mình chỉ xin dặn bạn duy nhất một điều: đừng vội vàng, vì Tarot cần tính kiên nhẫn.

2. Chọn và mua bài

a) Tiêu chí chọn một bộ bài:

Bạn đừng nên tham đẹp, bởi bạn là người mới còn Tarot lại thiên biến vạn hóa qua vài trăm năm rồi, đừng để bạn thân bị loạn bởi chúng. Hãy chọn những bộ bài đảm bảo các tiêu chí sau:

  • Bạn hiểu được hình ảnh trong một lá bài là cái gì. Không cần ý tứ sâu xa, nhìn rõ là được. Hãy tạm biệt những bộ quá trừu tượng. Sau này giỏi hơn, bạn sẽ quay lại với chúng.
  • Bộ bài thuộc trường phái Rider Waite (thường ghi ở phần review trên aeletic) – tức là mọi lá bài đều có hình ảnh dễ hiểu. Nếu chọn bộ theo trường phái Thoth hoặc Marseilles thì khó hơn hẳn đấy, xin can.
  • Bạn thích phong cách, nét vẽ và cách trang trí bài của tác giả.
  • Bộ bài có 78 lá (đôi lúc có những có 79 hoặc 80, thực ra vẫn là 78 nhưng có thêm card phụ, vẫn có thể dùng). Đừng ngó những bộ chỉ có 22, 36 hay thậm chí là 108 lá, chúng phức tạp hơn nhóm 78 đấy.
  • Google tên bộ bài trên Amazon để biết giá bộ bài, thông thường giá một bộ ko quá đặc biệt sẽ ở khoảng $15-$25 trên đó. Tùy tài chính của bạn mà cân đối, mới học thì bạn đừng lao ngay vào những bộ vài trăm USD, nhóm đó tính sau.
  • Nhìn kĩ ở phần review trên aecletic (đọc mục b), cũng như trên Amazon để biết bộ bài có sách nhỏ (Little White Book) hay sách lớn (Companion Book). Sách nhỏ chỉ dùng để tra cứu, ít thông tin về bộ bài cũng như cách hiểu sâu xa về chúng nên sẽ ít giá trị với bạn (do là người mới). Còn cuốn sách lớn thì có đầy đủ, hãy mua bộ nào có cái này. Lưu ý là chỉ có 1 số bộ bài có sách lớn mà thôi. 1 vài bộ đặc biệt thì có ấn bản CD kèm hoặc thay cho sách.
  • Cuối cùng, bộ bài của bạn nếu nổi tiếng (dù là quốc tế hay trong nước) thì đều tốt cả, vì bạn sẽ có nhiều người để trao đổi kiến thức. Còn đương nhiên, nếu bạn thích sự khác biệt – hãy chuẩn bị tinh thần mà đương đầu với khó khăn!!

Lưu ý, nếu bạn kém tiếng Anh, hãy bỏ qua mục b (Aecletic) và c (mua bài online), hãy nhảy thẳng tới mục d (mua trong nước).

b) Aecletic.net

Đây là website tiếng Anh về Tarot cổ nhất, đầy đủ thông tin nhất về Tarot hiện đại. Ở đó bạn có thể tìm thấy gần như mọi bộ bài từng tồn tại và thông tin về chúng. Tuy nhiên bạn cũng đừng quan tâm quá sâu trong thời điểm này, chỉ cần vào link http://www.aeclectic.net/tarot/cards/ và nhìn phía trái, bạn sẽ tìm thấy mọi bộ bài đang tồn tại. Nên duyệt theo Theme (chủ đề bộ bài), hoặc theo Top Ten (những bộ nổi tiếng tính theo các năm) để công việc đỡ vất vả.

Giữ 1 tab trình duyệt có danh sách nhiều bộ, mở từng bộ bài trên 1 tab mới bằng việc click vào tên một bộ bài => bạn sẽ nhìn thấy thông tin sơ lược về chúng. Bỏ qua các bộ mà bạn cảm thấy ko phù hợp, giữ lại khoảng chục bộ bạn nhìn thấy thích. So sánh các tiêu chí mình đã nói để đưa ra được lựa chọn cuối cùng. Cũng đừng vội tắt các tab đi, vì có 1 vài bộ khó mua, bạn có thể sẽ cần lựa chọn lại. Mình không khuyến khích bạn mua nhiều hơn 1 bộ. Trong trường hợp không thể cưỡng lại cái đẹp và tình yêu, hãy nhớ là chỉ nên học bằng một bộ duy nhất. Hiểu đơn giản thì càng tham càng khó thôi.

* Cá nhân mình xin giới thiệu vài bộ mình cho là hợp với người mới, mỗi bộ sẽ có 3 kí hiệu như sau (CB-có sách lớn hoặc LWB-sách nhỏ, con số ở giữa là độ phổ biến tại Việt Nam, 10 là cực phổ biến, và con số sau cùng là độ phức tạp khi học, 10 là khó nhất) :

  • Rider Waite Tarot và rất nhiều phiên bản có tên tương tự (LWB-10-7). Bộ này là gốc của trường phái, rất nhiều bộ làm theo nó. Dù ko có sách CB đi kèm, nhưng tài liệu ngoài viết về bộ này thì vô số, số người dùng cũng vô số.
  • Deviant Moon Tarot (LWB-9-5) lưu ý: bộ này 1,2 năm nữa sẽ có CB.
  • Gilded Tarot (CB-7-3)
  • Legacy of Divine Tarot (CB-8-6)
  • Shadowscape Tarot (CB-9-6)
  • Steampunk Tarot (CB-5-3)
  • Mystic Dreamer Tarot (CB-7-5)
  • Sharman Caselli Tarot (CB-5-4)

Lưu ý là đa phần các bộ mà có CB đều có cả 1 bản chỉ có LWB, bạn đừng mua bản nhỏ nhé. Còn nếu có bộ nào bạn thắc mắc mà ko có trong danh sách trên, cứ comment tên bộ, mình rảnh rảnh sẽ trả lời thông tin. 

c) Mua online từ nước ngoài

Nếu đã đọc phần này, chắc bạn cũng đã có đủ kinh nghiệm mua bán online rồi, mình chỉ nhắc bạn 2 điều:- Nhìn kĩ xem bộ bài có sách kèm theo không, có người chỉ bán riêng bộ bài, bán riêng cuốn sách. Có những bộ có 2 ấn bản, 1 có sách và 1 thì không.- Đừng mua đồ second-hand. Cái gì cũ thì được, chứ Tarot mà cũ, lỡ nó mất hoặc nát sẵn1 lá bài thì coi như vứt đi đó. Ở đây mình tạm bỏ qua lý do liên quan đến truyền thống Tarot vì nó hơi tâm linh, tại mình ko muốn dọa ai mà 😛 Đương nhiên nếu bạn có bạn bè người thân ở nước ngoài, hãy nhờ họ mua trực tiếp để tiết kiệm (nhiều đó). 

d) Mua tại các shop trong nước

Các shop trong nước được các điểm tiện lợi như sau:

  • Thường có bài giới thiệu ngắn về từng bộ (dịch là chính)- Mua bán nhanh chóng, alo cái hoặc PM facebook là được ngay.
  • Giá cả 1 bộ bình thường rơi vào tầm 500k-1M, còn rẻ hơn nếu so với việc bạn ship online 1 bộ từ Mỹ về. Hiện có 3 shop tương đối lớn các bạn nên tham khảo (buồn ghê, chả shop nào cho mình đồng PR nào hết):

e) Handmade Tarot

Nếu bạn không nề hà lắm chuyện bản quyền, cũng ko ngại chuyện hàng thửa hay hàng xịn thì Tarot handmade là một lựa chọn tốt. Bản thân mình thấy có rất nhiều bạn vẫn đọc Tarot bằng bài handmade và ko có trục trặc gì về phần chất lượng cả, nên bạn cứ yên tâm. Chỉ cần lưu ý các nhược điểm sau của đồ tự in:

  • Chất lượng giấy kém hẳn so với bài gốc.
  • Chất lượng hình ảnh cũng mờ hoặc lạc màu – do công đoạn scan hình hoặc in từ hình chất lượng thấp.
  • Không có sách vở tử tế kèm theo, cùng lắm được chủ shop handmade khuyến mãi tài liệu tiếng Việt nào đó mà shop có sẵn.

Nhưng ưu điểm không phải ko có nhé:

  • Rẻ : giá 1 bộ handmade chỉ tầm 250k trở lên tùy bộ, coi như bằng 1/4 -> ½ giá bộ gốc.
  • Ít sợ nước, lau qua là xong, do shop in thường chọn giấy láng bóng.
  • Mua bán nhanh gọn.
  • Gần như ko có khái niệm hết hàng, vì hết thì lại tự in thêm được.

Hiện mình chỉ biết duy nhất shop Nrain là cung cấp bài handmade ở Hà Nội (https://www.facebook.com/NRain_Ban-bai-Tarot-handmade-354414174603610)

3. Phụ kiện

Dành cho người muốn bắt đầu học Tarot - Túi đựng bài

Nếu bạn đang dùng smartphone mà không dán màn hình, không ốp thì có thể bỏ qua mục này. Còn lại thì hãy lưu ý là bạn không chỉ cần mỗi bộ bài và sách, bạn sẽ cần thêm những thứ sau để bảo quản bộ bài được tốt:

  • Túi đựng: 1 số bộ bài bán kèm túi. 1 số shop cũng khuyến mãi túi. Tuy nhiên nếu bạn có thể tự mua riêng, thậm chí tự may riêng 1 cái túi thì tuyệt vời. Bộ bài là 1 chỉnh thể nhiều lá bài, chúng ta cần túi để nó không lạc khỏi nhau. Giá cả chỉ tầm vài chục k trở lên, trừ khi bạn mua trên amazon.
  • Hộp đựng: có thể bằng bìa cứng, gỗ, sắt, nhôm, da, nhựa… Cái này để tránh va đập và tránh nước mưa. Theo truyền thống, người ta ưa nhất là hộp gỗ. Giá cả rơi vào khoảng 100k-500k tùy loại. Lưu ý là 1 vài bộ đặc biệt có thiết kế hộp sẵn rất tiện, ví dụ Book of Shadows bản full.
  • Khăn trải: đơn giản là khăn thì có thể giặt còn bài thì không. Bàn của bạn thường sẽ bẩn, nhất là khi bạn đọc ở quán café. Cho nên cứ sắm lấy vài tấm khăn, rẻ mà. Mình thì thích việc ra hàng vải, tự chọn màu rồi nhờ người ta cắt, vắt sổ.
  • Đá thanh tẩy: cái này theo truyền thuyết là để tống khứ những nguồn năng lượng xấu ra khỏi bộ bài. Mình thì cũng là người thường, rất tiếc ko thể tự nhìn thấy hiệu quả của chúng, nhưng 1 là đá thanh tẩy cũng ko đắt, 2 là có thờ có thiêng, có kiêng có lành, coi việc dùng đá giống việc thắp hương vào ngày rằm là xong đúng không? Mấy shop đều có thể cung cấp đá cho bạn, giá cả tùy loại.
  • Sổ ghi chép: bạn sẽ cần nó để học. 

4. 1-3 tháng đầu tiên

a) Những việc đừng nên làm

Mình xin bạn đừng ham hố chạy theo mấy cái việc “người ta” đồn thổi trên mạng. Vì mình xin thề là nếu bạn hỏi cái đứa nói, nó sẽ bảo “Ừ thì người ta bảo thế”. Cái thằng “người ta” đấy nó siêu cấp vô địch trong việc trốn trách nhiệm. Đừng dại thế, xin hãy nghe mình, vì nếu hỏi lại mình về 1 điều gì cụ thể, mình sẽ bảo là “Vì mình bảo thế”, hoặc bét nhất là dẫn được lời tác giả cụ thể ra. Những việc sau mình cho là ko nên quan tâm:

  • Ngủ với bài, hoặc cho 2 bộ bài ngủ với nhau với hy vọng nó đẻ ra bộ thứ 3, ôm ấp hôn hít bài: ôm gối có ích hơn đó, mùa đông lạnh lắm.
  • Nghiên cứu cung hoàng đạo của bộ bài: đến người mình còn chả quan tâm mấy nữa là bài. Ngoài ra những nhân vật đình đám trong giới chiêm tinh tuyệt nhiên ko có ai nhắc tới việc này cả bạn ạ.
  • Trải bài để phỏng vấn bộ bài: trải bài phỏng vấn chẳng qua là 1 trải bài bình thường trên diễn đàn aecletic, do sự phóng đại của rất nhiều “người ta” nên nó trở thành 1 thứ tuyệt đối kinh khủng ở Việt Nam. Và có 1 nguyên tắc quan trọng mà nhiều người cố tình quên khi hoc Tarot: nếu bạn ko thể tự bình giải bài, thì đừng trải bài. Hãy nhớ là bạn đã có chữ gì trong đầu đâu nhỉ? Sau chừng nửa năm, 1 năm, khi đã biết tàm tạm, bạn hãy quay lại làm việc này thì ổn.

b) Những việc nên làm

  • Trong vòng 1 tháng đầu tiên, mỗi ngày bạn hãy dành ra tối thiểu chừng 15 phút với bộ bài của mình. Nếu bận thì cũng phải rút ít, rảnh rút nhiều, rút trong bộ bài ra chừng 2-4 lá bài, ghi vào sổ mọi thông tin bạn nhìn thấy, cảm thấy về chúng. Quá bận thì dàn trải ra 3 tháng. Nếu rút trúng lá đã từng ghi thì cứ đọc lại, xem lần mới này bạn có thấy cái gì mới mẻ hơn không. Sau khi đã ghi chép đủ, mở sách ra tra cứu, rà soát và so sánh. Tô xanh những gì bạn đã ghi hợp với sách, tô đỏ những gì sai lệch.
  • Hết 1 tháng, tức là thời điểm coi như bạn đã quan sát được đủ hết bộ bài của mình, tạm quen với hình ảnh của chúng, đã đọc được ít nhiều trong sách. Bây giờ bạn mở sổ ra xem trang nào đỏ nhiều thì lấy lá bài đó ra học tiếp, bao giờ nhớ thì thôi.
  • Phần này sẽ dừng lại khi bạn rút bất cứ lá bài nào ra thì cũng có thể nói sơ lược được về hình vẽ của nó. Và bây giờ là tới thời điểm bạn cần định hướng cho mình: học tử tế như thế nào đây?

5. Tự học Tarot

Điều đầu tiên bạn cần làm là đi ra trước gương, ngắm 1 tí xem từ bé tới giờ mình có tự học được cái gì chưa? Nếu chưa từng, và bạn ko phải là người kiên nhẫn lắm, lại ít trách nhiệm với bản thân, sống khá vô nguyên tắc thì chắc bạn nên nhảy sang mục 6.

Nếu bạn không biết tiếng Anh, cũng nên nhảy tới mục 6 đi. Còn nếu bạn ở lại tới đây thì mình sẽ tự học như thế này.

a) Những điều nên tránh

  • Đọc quá nhiều sách – bởi mỗi cuốn sách sẽ đi theo ý tưởng của 1 tác giả. Dù ông A có thể nổi tiếng, bà B cũng rất nổi tiếng, bạn rõ là muốn nghe cả 2, nhưng nếu ông A và bà B có cãi nhau về quan điểm Tarot thì sao? Nếu bạn là mọt sách thì bét nhất hãy làm theo lời mình: chỉ đọc của 1 tác giả mà thôi.
  • Đọc sách dịch tiếng Việt – Cho tới thời điểm này, cá nhân mình chưa từng biết có ai vừa là một Tarot reader giỏi vừa là dịch giả tốt. Mà bạn biết rồi đấy, nếu chỉ giỏi 1 trong 2 thứ trên thì sản phẩm vẫn cứ là 1 cuốn sách tồi. Chưa bàn tới chuyện có rất nhiều bạn vì muốn nổi tiếng nên dù chả giỏi thứ nào trong 2 thứ cũng dịch sách, hậu quả là 1 cuốn sách cực tồi.
  • Bỏ cách quãng ngày không học – Come on, chỉ đầu tư 15 phút 1 ngày thôi, bạn đừng bỏ ngày nào cả. Mất thói quen học thì ko tự học được đâu.
  • Tham trải bài quá sớm – Các tác giả nổi tiếng đa phần đều có chung quan điểm này, họ cho rằng nếu bạn là người mới, cứ đầu tư vài tháng đến 1 năm nghiên cứu trước khi thực sự trải bài tử tế. Nhớ mình nói gì ở trên không? Kiên nhẫn!!! Nó na ná giống việc tập đứng tấn cả tiếng khi học võ vậy, hơi chán, nhưng quan trọng.
  • Nghiên cứu về tâm linh quá sớm – Trong Tarot có 1 phần tâm linh, cái này đúng. Mình cũng không phản đối tâm linh, nhưng khi bạn chưa hiểu được logic của Tarot thì đừng ham hố cái thứ rất phi logic như là chuyện tâm linh. Cái dễ chưa học xong đã đòi học cái khó là sao?
  • Đọc sách quá nhanh: các tác giả lại 1 lần nữa có chung quan điểm, đừng đọc sách nhiều, hãy vứt sách qua 1 bên và chơi với bộ bài của mình (giống như 1 tháng đầu mình đã viết ở trên). Bản thân mình đọc nhiều sách, nhưng mỗi cuốn chỉ đọc cực chậm, tí một tí một thôi. Đọc nó phải vào não rồi ở lại, đừng để nó chui vào nhanh rồi ra cũng nhanh. 

b) Những điều nên làm

  • Duy trì lịch học ổn định dù ít hay nhiều
  • Mỗi ngày cố gắng dịch xong 1 lá bài trong sách. Việc dịch này ko phải để khoe mẽ nổi tiếng, mục tiêu là để bạn nhớ nội dung của sách.
  • Phần sách viết về bài là để dịch và tham khảo, phần viết về các nội dung khác là để học thêm, hãy phân biệt.
  • Chọn 1 trong những cuốn sách mình ghi ở dưới làm sườn, học theo sườn giáo trình đó.
  • Mỗi ngày rút 1 lá bài cho ngày mai của bản thân, rút vào giờ rảnh, trước khi tắt đèn ngủ chẳng hạn. Ghi lại đàng hoàng tên lá bài và mọi thứ bạn có thể nghĩ tới. Tối hôm sau vào giờ rút bài, mở trang của ngày hôm trước ra ghi chú lại các việc đã xảy ra, tìm hiểu sự liên quan.
  • Tham gia các hội nhóm Tarot online, nghe nhiều, nói vừa đủ. Nhớ chọn bạn mà chơi, để trao đổi kiến thức, đừng chọn “người ta”. 

c) Sách tham khảo cho người mới

Sách mang tính giáo trình

  • Learning The Tarot – Joan Bunning (có bản mềm trên learntarot.com)
  • Insight Tarot – Dawn Rothwell
  • Tarot Fundamental – Nhiều tác giả (Tập 1 trong bộ 3 tập)

Sách học thêm

  • Mastering The Tarot – Paul Fenton Smith
  • 78 Degrees of Wisdom – Rachel Pollack
  • 21 Ways to Read a Tarot Card – Mary K. Greer

– Website học thêm

  • Learntarot.com (giáo trình tự học)
  • Biddytarot.com (tra cứu tốt hơn là học)
  • Diễn dàn aecletic (http://www.tarotforum.net/)
  • Các website của tác giả bộ bài bạn sử dụng

6. Học Tarot theo lớp

Tự học không quá khó, chỉ đòi hỏi kiên nhẫn và chăm chỉ với 1 chút năng lực sáng tạo, nhưng cũng ko hề dễ dàng. Bản thân mình trải qua quá trình tự học rất cơ cực nên rất hiểu điều đó, nhưng mình không có lựa chọn khác, bởi thời mình đến với Tarot thì chả có ai mở lớp dạy cả, thậm chí google chữ Tarot Việt Nam cũng chả có mấy kết quả. Còn giờ thì khác nhiều rồi, bản thân mình cũng như 1 số reader đã có vốn hiểu biết, kiến thức nhất định về Tarot đã và đang mở lớp dạy cho những bạn ko đủ khả năng tự học. Mình sẽ nhìn 1 chút vào sự khác biệt nếu đi học ở lớp:

Ưu điểm:

  • Có giáo trình sẵn, thường là giáo trình tốt nếu lớp bạn học do 1 giáo viên kinh nghiệm giảng dạy.
  • Luôn có người để giải đáp thắc mắc, điều mà sẽ trở thành sự hành hạ nếu bạn tự học.
  • Luôn có đồng đội bên cạnh để trao đổi mà ko sợ bị chê dốt, vì thực ra nó cũng dốt như ta mà thôi.
  • Có các đàn anh, đàn chị sẵn sàng kèm cặp.
  • Luôn có cơ hội thực hành, so sánh, trao đổi hoặc quan sát người khác tác nghiệp.
  • Thời gian học nhanh hơn
  • Có khả năng hết FA.

Nhược điểm:

  • Dựa dẫm, ỷ lại vào người khác, thậm chí đến mức trốn học.
  • Có chỗ để thể hiện nên dễ bị hư
  • Theo trai/gái bỏ cuộc chơi
  • Tốn tiền

Tuy nhiên suy cho cùng, dù là tự học hay không thì bạn vẫn cần sự chăm chỉ và kiên nhẫn. Lớp học chỉ giống như chiếc xe giúp bạn đi nhanh hơn đi bộ, nhưng kiểm soát chiếc xe thế nào là tùy ở bạn.

Các tổ chức, địa chỉ có thể cung cấp cho bạn lớp học Tarot thì đây, chất lượng thì mình xin phép không bàn tới, tự các bạn phải tìm hiểu vì bản thân mình cũng giảng, nói ra mất khách quan:

Ngoài các lớp ra, Tarot cũng là 1 môn mà nếu bạn nhận được 1 ai đó giỏi, đủ làm bạn nể phục làm sư phụ thì bạn sẽ có được 1 sự phát triển bền vững, cố gắng xem, cao nhân ko phải là ít đâu. Đấy nhé, hy vọng bài viết này giúp được nhiều người khi còn chập chững bước chân vào thế giới huyền bí và đầy mê hoặc của Tarot. Chúc bạn kiên nhẫn và thành công!!

(Bài viết dành cho tương lai của giới Tarot, các bạn có thể share không cần xin phép)

16/12/2015 – Az