Câu chuyện siêu dài về lá 6 kiếm

  • Az 

Mình sẽ mở bài viết bằng 1 sự im lặng …không đáng sợ.

1. ……………………………………

“Anh và tôi vốn rất hạnh phúc, anh thuộc tuýp nói ít làm nhiều nhưng luôn chiều tôi nên ơn trời, chẳng mấy khi tôi rơi vào cảnh khóc ướt gối như nhiều người khác. Mỗi khi nổi đoá lên đòi chia tay, lần nào anh cũng đến và chìa ra những đoá hoa tôi rất thích để làm hoà. Đôi khi là trà sữa, bánh trái…. Cứ vậy, cứ vậy…

Rồi 1 ngày, anh biến mất. Lặng lẽ y như cách anh vẫn làm. Phải mất cả năm trời tôi mới bớt dần được cái cảm giác sôi sục muốn bóp cổ anh để tra khảo lý do, và thêm 1 năm nữa để có thể gạt được anh ra khỏi nỗi nhớ nhung hàng ngày – mỗi khi những ánh đèn đều đã tắt hết.

Xong rồi anh lấy vợ!

Tôi vẫn không hiểu nổi lý do chia tay ngày đó. Tại sao không thể nói với nhau 1 lời?”

Các bạn nữ đọc xong có thấy quen thuộc gì không? Có cảm giác muốn chửi thề không?

Haiz, đừng chửi, đoạn vừa rồi mình bịa ra đó. Nhưng đó là vấn nạn đầu tiên trong giao tiếp hiện đại – sự im lặng.

2. Chuyện 2 cha con và trường nội trú (lưu ý – đây ko phải pornh*b, cấm suy nghĩ linh tinh)

“Trước khi đưa con mình vào trường nội trú, người cha bảo con: ‘Vào trong nhà lấy cho bố tuýp kem đánh răng và 1 cái đĩa’. ‘Vâng’, người con đáp.

  • Rồi, con bóp kem đánh răng ra đĩa đi.
  • Vâng.
  • Thế giờ, bố cần con cho kem lại vào trong tuýp, làm được không?
  • Không ạ, làm sao làm được!!!
  • Đó, đây là thứ bố cần con nhớ trước khi vào trường, cũng là vào đời. Khi con bóp kem ra đĩa, con không thể thu hồi nó về được. Nếu con bóp kem để vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đó là điều tốt. Nhưng nếu con bóp linh tinh, bôi bẩn quần áo ai đó – đương nhiên ngoài việc con có thể bị phạt ra, còn làm bẩn đồ người khác nữa. 

Mỗi lời con nói ra ngoài miệng cũng như vậy. Hãy dùng lời nói của con để nói về những điều tốt đẹp, tích cực. Đừng bôi bẩn ai, hoặc làm đau ai với nó, bởi con sẽ không thể thu hồi nó được…”

Có lẽ câu chuyện này các bạn đã từng đọc ở đâu đó rồi, nhưng ko sao. Cái mình muốn nói ở đây chỉ là về độ quan trọng của lời nói – nó là dạng one way ticket – vé 1 chiều. Với nền giáo dục hiện đại, tin rằng đa số mọi người đều hiểu được điều này, nhưng thế nào là tích cực, thế nào là bôi bẩn – cái này lại là điều hoàn toàn mới mà ở 1 đẳng cấp cao hơn hẳn về mặt tư duy chúng ta mới có thể hiểu được…

À, quên chưa bổ sung thông tin. Đứa con trong chuyện vừa rồi là con gái, và bài học rút ra là: các bạn nữ ko nên bóp linh tinh nhé.

Mà nếu các bạn thay gái bằng trai thì cũng được, ko sao đâu, bài học vẫn có giá trị.

3. Bạo hành qua đường miệng

  • Anh đi đâu mà giờ mới về?
  • Ơ có hôm nay có họp muộn mà, anh có nhắn cho cả em lẫn con màààà?
  • Trời ơi con kia nó đi chơi suốt từ chiều đã thèm về đâu, nhà này chắc là nhà trọ của nó rồi. Còn điện thoại của em hỏng từ hôm qua anh có thèm đi sửa đâu…..
  • …………..
  • Anh hết yêu em rồi đúng không? Anh chán em rồi phải không?
  • Ơ từ từ, đt em hỏng từ hôm qua sao anh không biết nhỉ??
  • Đấy, có dám trả lời đâu. Anh tồi tệ lắm…
  • ………………..
  • Điện thoại hỏng mạng, báo cho anh rồi còn gì!!!!
  • ……………
  • Đồ tồi tệ, đồ vô tâm!!!!
  • ….. từ từ, em báo lúc nào anh ko nhớ nhỉ…
  • Đấy, lại còn thế nữa. AAAAAAAAAAAAA. Chiều qua lúc nhận ra nó hỏng, em đã nhắn cho anh rồi còn gì?AAAAAAAAAAAAAAAA
  • AAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAA”

Vâng, 1 bi kịch gia đình…. 1 ông chồng xấu số…. mình mạn phép ăn cắp tí style của đại cao thủ Aziz Nesin để dựng ra cái chuyện này, hy vọng có thể giải khuây cho người đọc. Nhưng mình có lòng tin rất lớn rằng có rất rất nhiều mối quan hệ đang diễn ra theo phong cách như thế này.

4. 6 of Swords – lá 6 kiếm trong Tarot

Đây là 1 lá bài mà nhiều người mới học hay hiểu sai về nó, nhưng với cương vị của 1 giảng viên, mình nhận thấy những người hiểu sai lá này hầu hết đều có 1 điểm chung: đều là các tấm chiếu mới giữa cuộc đời đầy chông gai và bão tố….

Khoan, từ từ, mình ko định cười hố hố gì đâu, mình nhất định ko có nhu cầu ném đá thế hệ. Nhưng tại sao mình kết luận thế? Trước tiên hãy nhìn xem sự hiểu đúng hiểu sai nó là thế nào đã.

6 kiếm thường vẽ 1 nhóm người đi chung trên 1 con thuyền, và đương nhiên thuyền thì cần 1 anh chèo lái, 1 người lớn trẻ con còn lại có thể tạm giả định là 2 mẹ con hành khách, hoặc người thân gì đó…. Ngoài sức nặng của 3 người, dù phải mang theo 6 cây kiếm nhưng con thuyền tạm thời đang lướt khá êm. Trời cũng quang, mây cũng tạnh nhưng nếu để ý mặt nước 2 phía thuyền sẽ thấy phía trái thuyền có nước lặng, phía phải có sóng xô. Xa xa, ta vẫn nhìn thấy đất liền….

Thử phân tích sâu 1 chút để “hiểu” lá bài xem sao nhé.

  • Bộ kiếm nói về tư duy lý tính, cách nhìn nhận và giải quyết các vấn đề. Khi tư duy bắt đầu biến thành hành động, bộ kiếm thường nhắc về sự giao tiếp người với người. Kiếm có thể chọc thủng thuyền, nhưng nếu đủ nhẹ nhàng, kiếm sẽ được thuyền chở đi mà ko gây hệ quả. Thực tình thì sự giao tiếp cũng vậy thôi.
  • Số 6 nói về sự hài hoà, tính cân đối. Trong Tarot, số 6 còn nhắc về thành tựu, sự thành công, nên từ đó có thể suy ra 6 kiếm nhắc tới thành tựu về mặt tư duy lý tính. Thành tựu đi kèm với hài hoà, tức là ko phải chỉ 1 mình mình thấy đây là thành tựu, mà các phía liên quan cũng thấy thế.
  • 6 thanh kiếm được chia ra mỗi bên mạn thuyền 3 thanh, chính là nhắc về sự hài hoà và cân bằng đó – thực tình trừ 1 vài người hiếm hoi chưa từng lên thuyền (kể cả là con vịt ở Hồ Tây) – còn chắc ai cũng biết khi leo lên thuyền (du lịch chẳng hạn), người chèo sẽ nhắc bạn ngồi sao cho cân – không có thuyền lật thì bỏ mợ….
  • Trên thuyền có 3 người: số 3 trong huyền học có đặc thù nói về tính tương tác trong ngoài (ví dụ với môn Numerology thì số 3 có keyword communication, house #3 trong Astrology chủ về tư duy và giao tiếp xã hội…). Các lá bài mang số 3 trong Tarot cũng liên quan rất nhiều tới sự tương tác như vậy. 6 thanh kiếm chia 2 nhóm 3+3 cũng biểu đạt về sự sẵn sàng và khả năng giao tiếp tốt giữa 2 đối tượng, hiểu rộng hơn nó còn biểu đạt về sự kết hợp về mặt tư duy lý tính để tạo ra kết quả chung.
  • Mạn thuyền phía trái (bên trái chủ về cảm xúc – tim bên đó mà) nước lặng, tức là phần cảm xúc ảnh hưởng trong lá bài này không lớn, mọi sự đang bình lặng, hoặc có thể nói là các đối tượng liên quan đều đủ bình tĩnh. Mạn thuyền phải (chủ về hành động – lý do có lẽ vì tay phải là tay đa số mọi người thuận hơn) có sóng xô, tức là người đang hành động (lái thuyền) sẵn sàng đối diện với mọi biến động hoặc thử thách đang đến.
  • Trời quang, mây tạnh tức là không gian thông thoáng, không có gì cản trở tầm nhìn (vision). Vision – ở đây ko phải 1 hero of the Avengers – hiểu theo nghĩa bóng thì biểu đạt về năng lực lên kế hoạch, khả năng đánh giá tình thế của những người dẫn dắt (trong trường hợp này là người lái thuyền). 3 người đều nhìn thấy những thứ giống nhau, 3 người đều quay mặt về 1 hướng -> vision như nhau, mục tiêu và kế hoạch như nhau. Và đương nhiên cái này chỉ có thể đạt được thông qua  1 thứ duy nhất: giao tiếp và thoả hiệp. 
  • Đất liền trước mặt: với những người đi biển, đất liền là biểu tượng của hy vọng và sự sinh tồn. Trong huyền học phương Tây nói chung, Đất là nguyên tố tả về những gì thực tế nhất. Việc có đất liền biểu thị rằng những gì chúng ta đang làm là khả thi và đủ thực tế. Đất liền có cây – ko phải vùng đất chết – tức là chúng ta đang hướng tới 1 sự phát triển nào đó trong tương lai (ở đằng kia, khi chúng ta đã tới đích)

………

Phù, tạm thời thế thôi nhé, đấy là những thứ cơ bản dễ nhìn thấy nhất trong lá 6 kiếm này. Nếu trộn chúng vào với nhau, bạn sẽ hiểu được tại sao ý nghĩa của lá 6 kiếm là về: tìm được giải pháp, định hướng, tiến lên băng qua thử thách, giao tiếp thành công…. Và đó chính là thành tựu về mặt tư duy lý tính đấy.

Đương nhiên chúng ta ko nhìn thấy nhưng đều hiểu, trước thời điểm của hình vẽ, đã có 1 cuộc trao đổi, 1 cuộc “họp” nào đó giữa những con người này. Họ nói về đích đến, về phương tiện di chuyển, về hành lý mang theo, về chi phí….. đủ cả…. nhưng ăn chắc là phải có những cái gật đầu.

Trong lá 6 kiếm, mọi sự đều tương đối cân bằng 2 thái cực (ví dụ 1 nam 1 nữ dị tính cụ thể, trẻ con thì giới tính unknown hoặc unisex hoặc LGBTQ ko rõ). Dù có thể bạn nói “Trong hình này, người lái mới là người chịu trách nhiệm lớn, chứ mẹ con nhà kia thì đóng góp gì đâu…”, nhưng thực tình họ chỉ cần trả tiền cho anh lái đò thì họ trở thành quan trọng đúng không? Có nam có nữ, có người chèo, có người ngồi – là có chủ động có bị động, có lead – có follow…. kiểu như vậy, chính là tính cân bằng âm dương, sự hài hoà các bên đó.

Xét về tư duy lý tính, thành tựu hài hoà này nằm ở chỗ các bên đều gật đầu với 1 ý kiến (bất luận nó xuất phát từ ai). Đương nhiên độ chuẩn mực của ý kiến “Let’s go there” đó chỉ ở tính tương đối (Chúa mới biết được sắp có sóng thần hay không chẳng hạn), nhưng việc tất cả đồng thuận đã là 1 kỳ tích. Còn tới bờ kia lúc nào thì chưa rõ lắm, nhưng cũng cần nhớ 1 điểm ở cái lá bài này: đây là ĐANG thực thi kế hoạch SAU khi đã thoả hiệp và thống nhất, còn lại thì CHƯA xong việc nhé.

Vậy bạn có muốn mỗi khi giao tiếp, mọi sự đều được sáng sủa không? Tất cả các bên đều nói rõ ràng được quan điểm, và cuối cùng là tìm được phương án “mẫu số chung” không?

Tiếc là trong cuộc sống hiện đại, với 1 tỉ lý do từ định kiến, phân biệt giới tính, áp đặt thế hệ, khác biệt hoàn cảnh…. mà chúng ta không làm nổi những gì diễn ra ở lá 6 kiếm….

Có mỗi nỗi khổ với các bạn trẻ, các bạn hay có tính cách thẳng thắn và luôn coi trọng ý muốn cũng như cách tư duy của bản thân hơn cả, nôm na là cái tôi lớn. Nên việc nắn tư duy của mình đi để có thể đạt được sự đồng thuận các bên trở thành 1 việc khó làm, và rồi cũng thành không muốn làm luôn. Vậy nên nhiều bạn sẽ hiểu lá bài này thành “chạy trốn, né tránh, không dám đối diện….”

Thực tình thì không hề, 6 kiếm chỉ đơn giản là thay vì tông thẳng vào tường, tôi tìm cách leo qua, mà muốn leo qua thì cần thang, vậy phải thoả hiệp với thằng bán thang trước đã…

5. Thế im lặng có tội tình gì không? Kiếm thừa kiếm thiếu 1 tí mà ko phải 6 thì có sao không?

Mỗi khi bạn cãi nhau gây sự với người yêu, có kỳ tích nào không? Có cân bằng âm dương gì không? Có thực sự là có sự đồng thuận không? Người yêu bạn nó trình bày quan điểm rõ ràng cho bạn hiểu không? Bạn có chắc là bạn hiểu tư duy của anh ấy/cô ấy không? Hay chỉ cần “nó” ko phản đối tức là nó ủng hộ? Nầu nầu…. Xì poi về 2 lá kiếm khác luôn này, đương nhiên nội dung chi tiết thì xin hẹn khi khác:

  • Nếu bạn THỰC SỰ ngây thơ cho rằng “ko phản đối, tức là ủng hộ”, đó là tư duy theo đường lối của lá 7 kiếm (tư duy nặng tính cá nhân, ko có trình bày công khai quan điểm, cẩu thả trong cách nghĩ, hiểu và giải quyết vấn đề không triệt để….)
  • Nếu bạn nghĩ “Em đẹp em có quyền” hoặc “All men to the left – women are always right” thì chính là bạn đang sa vào cái bẫy tư duy của lá 5 kiếm – cũng là 1 lá bài thú vị mà nhất định mình sẽ viết về nó sau này.

Đấy, lệch có 1 cái kiếm thôi đã sinh chuyện…. nên để giữ được sự hài hoà là khó lắm…

Lại có những người rất thích im lặng (tức là không có thanh kiếm nào đưa ra, như câu chuyện đầu tiên của post này). Khi im lặng, coi như họ ngầm từ chối mọi giao tiếp hay thoả hiệp đúng không? Có rất nhiều khách hàng nữ của mình than thở về trường hợp chồng/bạn trai như thế. Lý do thì cũng rất nhiều, nhưng mình tạm tóm vào 4 trường hợp lớn:

  • Sợ bị đối phương bạo hành (mục 3 phía trên), thôi thà im còn hơn, để “nó” thích nói gì thì nói… Mở rộng hơn chút thì là sợ những hệ quả xấu của việc nói ra. (3/10 điểm về mặt năng lực. 8/10 điểm về độ đáng thương vì muốn nói nhưng ko dám nói)
  • Quá hướng nội hoặc rộng hơn là những người quá non, ko có khả năng diễn đạt suy nghĩ thành lời. (1/10 điểm năng lực. 1/10 điểm đáng thương thôi – vì có gì đâu mà thương, thường mấy người này ko có nhu cầu nói)
  • Im lặng 1 cách hoàn toàn bình tĩnh để chủ động thao túng đối phương ngầm, từ từ đối phương sẽ rối loạn. Địch loạn, ra ko loạn là ta thắng rồi (gaslighting trong Tâm lý học) (10/10 điểm năng lực. 10/10 điểm a$$hole)
  • Im lặng vì thấy mình hoặc đối phương đang mất bình tĩnh, đơn giản là ta chờ tới khi 2 bên ổn hơn rồi thoả hiệp sau (10/10 điểm chất lượng) – bởi chỉ có cách này mới hiệu quả và có thể đi tới sự thống nhất.

Thôi thì bỏ qua là lý do nào, nhưng chỉ cần 1 phía im lặng, thì tức thời không có 6 kiếm 6 kèo gì ở đây được nữa. Nếu xét 2 phía, khi phía A im lặng, B cũng im thì chả vấn đề gì, nhưng chỉ cần B muốn nói thì B sẽ rất dễ rơi vào thảm cảnh tư duy là “Ơ có gì phải nói ra để giải quyết chứ, chứ cứ im lặng như này thì nhất định tội vạ ‘không hợp tác’ là của nó”.

Chà, thật là 1 kết luận logic.

Mỗi tội thiếu thôi.

Không ai cố để ra khơi lúc trời đang bão cả.

Thời điểm, thời điểm các bạn ạ!!! Muốn giải quyết, cần cả sự nói ra lẫn cần cả sự sẵn sàng nói ra và sẵn sàng lắng nghe nữa, thiếu sự sẵn sàng thì phải chờ tới thời điểm sẵn sàng mới được chứ!!!!

6. 1 tí về xã hội hiện đại

Tư duy của ta thì ta sẽ gọi là tư duy chủ quan. Của người khác thì là khách quan (đối với ta). Vậy nên để có thể đạt được sự thống nhất, cân bằng hay hài hoà, chúng ta sẽ cần:

  • Đừng cho cách nghĩ của chúng ta là chân lý. Bởi nếu thế, bạn sẽ từ chối nghe thêm thông tin mới. Hãy hiểu rằng cái bạn nghĩ là thứ đúng, phù hợp với bạn mà thôi.
  • Trước khi cho rằng đối phương sai, hãy thử tìm hiểu lý do tại sao đối phương nghĩ nó đúng đã.
  • Chủ động, mạnh mẽ khi đưa ra quan điểm, quan điểm cần rõ ràng và logic, nếu được – đề ra giải pháp xử lý vấn đề vướng mắc. Đây là đặc thù của tính Dương.
  • Mềm mại, dịu dàng lắng nghe khi đối phương nói,  tôn trọng cách nghĩ của đối phương thay vì vùi dập, cái gì chưa hiểu thì tìm hiểu, có thể thể hiện cảm nhận hay quan điểm của mình về cách nghĩ đó nếu được, điều chỉnh tốt bầu không khí và kiểm soát thái độ. Làm tốt điều này thì tranh luận cũng trở thành  chia sẻ. Đây là đặc thù của tính Âm.

Rất rất nhiều thảm kịch đã xả ra trong các mối quan hệ, từ gia đình tới bạn bè, đồng nghiệp. Hầu hết đều vì kịch bản áp đặt tư duy chủ qua như sau:

  • Tôi nhìn thấy 1 thứ, tôi nghĩ nó là A. Từ A tôi  tìm ra được B
  • Bây giờ tôi thấy “nó” đang B gì đó, nên tôi phải chửi “nó” chuyện A mới được.

*Ví dụ thực tế:

  • Anh ơi em khổ lắm. Anh ý không còn yêu em nữa rồi.
  • Ơ sao thế?
  • Chồng em lằng nhằng với 1 đối tác. Họ ngủ với nhau rồi.
  • Họ ngủ với nhau, nên là chồng em đã hết yêu em?
  • Vâng, anh ấy yêu con kia rồi.
  • Vì anh ý ngủ với đối tác, nên là anh ấy yêu đối tác?
  • Vâng, phải yêu thì mới ngủ chứ anh?

Đó, chuyện xưa như trái đất. Đây vừa là ngây thơ, vừa là thiếu kinh nghiệm sống, vừa là thiếu kiến thức giới tính, vừa là áp đặt tư duy chủ quan…. Chỉ cần bạn vợ này hiểu 1 điều rằng đa số đàn ông nói chung đều CÓ NĂNG LỰC ĐỂ enjoy sex without love, thì bạn ý sẽ ko phát ngôn như trên. À à, đương nhiên, có năng lực để làm ko có nghĩa ông nào cũng làm nhé các mẹ các chị….. hạ hoả hạ hoả nào…

*Ví dụ thứ 2, hỡi các anh chị em hãy quay lại thời thơ ấu:

  • Con, cất đồ chơi đi.
  • Không, con chưa chơi xong, mà con học xong lúc nãy rồi.
  • Không chơi nữa, bố mẹ nói không nghe LÀ HƯ. Trẻ con thì phải nghe lời.

…………..

2 ví dụ đều là cùng 1 kiểu cả – áp đặt tư duy chủ quan, và méo quan tâm tới việc đối phương có tư duy khác mình như thế nào.

Thôi bài viết cũng dài rồi, mình cũng chỉ mong những bạn đọc tới đây hiểu thêm vài điều, để có thể bớt bớt cái sự phán xét sớm lại, cố gắng tìm hiểu về những người bên cạnh mình, người mình thương yêu nhiều hơn (à đứa nào là kẻ thù cứ ném đá đi ko cần tìm gì hiểu gì đâu… mình ko phải Phật). Kể cả khi bạn bị đối xử theo cái lối của mục cuối này, cũng đừng ấm ức vội, hãy nghĩ đơn giản là đối phương chưa đủ năng lực – họ đáng thương hơn là đáng mắng đó….

Thân ái chào tạm biệt, và chúc tất cả các bạn luôn hài hoà và đủ khách quan…

Reader Az