Đây là 1 chủ đề tôi muốn viết từ rất lâu rồi, chỉ là tới tận hôm nay, hoàn cảnh đã gợi đủ cảm hứng để những suy nghĩ có thể được viết thành câu thành chữ. Tôi viết bài này dành tặng những Tarot readers – những người lúc nào cũng phải đối diện với những câu hỏi của mọi người về chủ đề này. Tôi cũng muốn các bạn querents – người đi xem Tarot, đọc và thêm 1 chút chiêm nghiệm về bản thân mình trong câu chuyện tình cảm cá nhân, để bớt những lần hoang mang, mất đi phương hướng của mình giữa vạn nẻo đường của trái tim.Bài viết có 2 phần, phần 1 dành cho những người chưa có hiểu biết gì về Tarot hoặc những người đang yêu, và phần 2 thì dành cho các bạn readers đang muốn nâng cao khả năng đọc bài trong chủ đề Tình yêu.
I. CÁC KHÁI NIỆM VỀ TÌNH YÊU
I.1. Tình yêu trong xã hội và các khái niệm về nó
Đương nhiên bàn về tình yêu nói chung thì tôi chưa đủ tầm, các nhà xã hội học, các nhà khoa học đã tìm đủ mọi cách để mổ xẻ chủ đề này từ quá lâu rồi. Tạm thời trong bài viết này, tôi chỉ muốn đề cập tới khái niệm tình yêu giữa 2 cá nhân (Khổ thân tôi, trước đây có thể dùng cụm từ “Tình yêu nam nữ”, giờ ko dùng được nữa rồi).
Chúng ta thử xét 1 vài khái niệm tình yêu được tóm tắt trong wiki:
Theo triết học, tình yêu là một loại tình cảm giữa người và người, hướng con người đến Chân, Thiện, Mỹ. Theo xã hội, tình yêu là “Hệ quả của sự kết hợp giữa bản năng và trí tuệ của con người”. Theo khoa học, tình yêu là thứ cảm xúc tạo ra 1 dạng hormone đặc biệt trong cơ thể, dẫn tới mong muốn gắn kết lâu dài của người này với người kia….
Các triết gia, các danh nhân đều có những định nghĩa riêng của bản thân mình về tình yêu. Tôi xin phép ko trích ra vì quá nhiều. Và mỗi một con người bình thường cũng đều có khái niệm của riêng mình để nói được rằng, thế nào là tình yêu. Từ những cậu bé, cô bé cấp 1 cấp 2 cho tới những ông bà già móm mém, ai cũng có thể yêu theo kiểu của mình. Tôi ko thể, và cũng không muốn phản đối việc ai đó yêu theo kiểu của riêng họ. Nhưng trong bài viết này, tôi sẽ muốn đưa ra định nghĩa về tình yêu của riêng tôi, dựa rất nhiều trên cấu trúc hệ thống của Tarot.
I.2. Sơ lược về cấu trúc của Tarot
Theo lý thuyết Tarot, 1 bộ bài có 2 phần là Ẩn chính (Major Arcana) và Ẩn phụ (Minor Arcana). Nếu coi bộ bài là thứ có thể phản ánh đời sống nội tâm con người cũng như phản ánh được các vấn đề xã hội thì phần Ẩn chính là phần nói về bản thể bên trong mỗi con người, nó là tính cách, đặc điểm đặc trưng của mỗi cá nhân. Còn phần Ẩn phụ miêu tả những gì diễn ra trong cuộc sống của người đó.
Phần Ẩn phụ lại còn được chia nhỏ ra làm 4 phần (Gậy, Cốc, Kiếm, Tiền) ứng với 4 nguyên tố cổ điển (Lửa, Nước, Khí, Đất). 4 phần này phản ánh 4 mảng khác nhau trong cuộc sống mỗi con người.
- Gậy: phản ánh phần động cơ, mong muốn bên trong con người. Người ta sẽ Hành động để đạt dần được phần này.
- Cốc: phản ánh phần cảm xúc. Người ta sẽ Chia sẻ để thỏa mãn phần này.
- Kiếm: phản ánh phần lý trí. Người ta sẽ Suy nghĩ và Giao tiếp để có thêm thông tin đầu vào, dựa vào đó mà thỏa mãn lý trí.
- Tiền: phản ánh phần nhu cầu thực tế. Người ta sẽ Tích lũy để có được chúng dần dần.
I.3. Tình yêu theo khái niệm của cá nhân tôi, 1 Tarot reader
Nếu chỉ xét theo ý nghĩa cơ bản của Tarot, chúng ta có thể tìm thấy 2 lá bài miêu tả về tình yêu: Một là lá bài Hai cốc – nhắc về tình yêu ở giai đoạn khởi đầu, lúc mọi sự còn đang phát triển, lúc cảm xúc còn đang sơ khai và chân thành. Hai là lá bài Tình nhân (The Lovers), nói về tình yêu khi đã có sự gắn kết, ràng buộc, đã có đầy đủ các đặc điểm của một tình yêu đã phát triển.
Khái niệm Tình yêu của tôi, nếu nói ngắn gọn, chính là cách tôi đọc lá bài The Lovers.
“Tình yêu được thể hiện ở đây nằm ở sự gắn kết và ràng buộc công bằng giữa 2 người. Họ yêu nhau, tức là họ vừa có chung một hướng đi, hỗ trợ lẫn nhau trên con đường đó (Chung phần Gậy), họ lại luôn giữ gìn và chia sẻ cảm xúc bên trong mình cho đối phương, luôn hướng tới việc làm cho đối tác có được cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc (Chia sẻ phần Cốc). Họ thảo luận, chia sẻ với nhau về quan điểm sống, họ hợp tác về mặt lý trí để cùng nhau giải quyết mọi vấn đề tồn tại trong mối quan hệ (Hợp tác phần Kiếm). Họ cũng nỗ lực đáp ứng trong khả năng các nhu cầu thực tế của phía đối phương (Chia sẻ phần Tiền)”.
Khái niệm ràng buộc công bằng tôi nói ở trên, tức là mỗi bên đều có 1 vai trò riêng của mình, ko ai có quyền hạ đối phương xuống vị trí thấp hơn mình. Không thể trọng nam khinh nữ, hay trọng top khinh bottom được. Cá nhân tôi cực lực phản đối những đánh giá kiểu “Nó không biết ga lăng à, vứt, yêu làm gì”, hay “Nó ko biết nấu ăn đúng không, bỏ đi”. No no, nếu bạn nam ko biết ga lăng nhưng lại biết nấu ăn, bạn nữ ko biết nấu ăn nhưng lại mạnh mẽ chăm sóc bạn nam, vậy tình yêu đó khá hoàn chỉnh rồi.
Rõ ràng xét như khái niệm trên, đó là 1 tình yêu khá lý tưởng. Tuy nhiên ở các mục sau, tôi sẽ đề cập tới các trường hợp mà tình yêu không được lý tưởng như thế. Vì nó thiếu mất phần nào đó trong đoạn khái niệm vừa rồi.
II. NHỮNG VẤN ĐỀ TRỤC TRẶC TRONG TÌNH YÊU
II.1. Nếu Tình yêu thiếu hướng đi chung – Thiếu Gậy hoặc mâu thuẫn về Gậy.
Câu chuyện thường gặp nhất của trường hợp mâu thuẫn về Gậy này là hoàn cảnh của 1 cô gái đến tuổi, chỉ mong muốn hướng tới hôn nhân. Còn chàng trai thì ko bị sức ép của tuổi tác, vẫn còn mong muốn ngụp lặp trong sự nghiệp và phát triển nó tốt đẹp.
Ví dụ hay thấy của việc Thiếu Gậy – tức là yêu chỉ là yêu, không hướng tới cái gì cả. Trường hợp này hiếm hoi hơn nhưng vẫn tồn tại.
Khi trục trặc phần này, mỗi người sẽ vẫn cố đi trên định hướng, trên con đường của mình. Và vì không phải là đi chung đường, chung một tốc độ, họ sẽ dần tách ra khỏi nhau. Nó giống như việc vẽ 2 đường thẳng không song song vậy. Cái khổ ở đây là, ai cũng cho rằng hướng đi của mình là đúng, là tốt và họ có đầy đủ lý do để biện minh cho nó. Có điều chúng ta phải lưu ý 1 điều tối quan trọng: trong tình yêu, chúng ta cần nỗ lực để duy trì sự công bằng. Giải pháp cho phần này gồm có 2 bước:
- Đôi bên cần phải xoay vài độ cái đường thẳng của mình, để nó trùng khít với đường thẳng của đối phương. Và lý tưởng nhất, 2 bên cùng xoay với 1 góc xoay bằng nhau.
- Đứa có tốc độ di chuyển cao phải hãm bớt, đứa đi chậm phải leo lên xe đạp mà đi cho nhanh, còn đuổi kịp đứa kia.
- Ví dụ: Bạn nữ muốn cưới đầu năm 2016. Bạn nam cần xây dựng sự nghiệp tới hết năm 2017, sang 2018 mới dám nghĩ tới đám cưới. Vậy họ cần:
- Bạn nam giảm yêu cầu về phát triển sự nghiệp xuống còn hết năm 2016, lương thấp chút chưa ai chết cả. Đám cưới quan trọng hơn.
- Còn bạn nữ thì chấp nhận chờ thêm 1 năm.
II.2. Nếu Tình yêu có trục trặc về mặt cảm xúc – Cốc không đầy.
Tarot dùng Cốc để miêu tả cảm xúc, đây là 1 chi tiết khá thú vị. Ai cũng biết chúng ta có thể rót nước từ cốc này sang cốc khác và ngược lại. Cảm xúc con người cũng thế, giống như này:
- “Anh yêu em lắm” (Đây là đổ nước)
- “Em cũng thế, em cũng yêu em lắm 😛 ” (Đổ ngược lại đó)
Cứ đổ đi đổ lại thì cả 2 cái cốc đều hạnh phúc. Và khi đôi bên đều được thỏa mãn với cái cốc đầy nước của mình, họ sẽ có 1 thứ cực kỳ quan trọng đối với con người nói chung – sức mạnh tinh thần. Nó là điều kiện để họ có thể vượt qua, hoặc tệ nhất là chấp nhận tình trạng thiếu sót, mâu thuẫn ở các phần Gậy (yêu nhau quá nhiều nên cứ ở bên nhau không cần tính tới tương lai), Kiếm (Yêu nhiều thì cãi nhau ít, tha thứ và chấp nhận dễ), hoặc tiền (Có thể sống kiểu 1 túp lều tranh 2 trái tim vàng).
Nhưng đời ko như là mơ, trục trặc sẽ thường xuyên xảy ra trong 2 trường hợp.
A) Chỉ có 1 bên đổ nước cho bên kia
Đây là dạng tình yêu ích kỷ, 1 bên chỉ cho, không nhận và ngược lại. Hậu quả tất yếu là tới khi 1 bên rót hết phần cảm xúc của mình, cái cốc trở thành cạn khô và người đó sẽ dừng mối quan hệ lại.
Đa phần, lý do của chuyện này là do cái bên đổ nước thì nỗ lực để đổ, còn bên nhận nước thì coi cái chuyện bên kia đổ là mặc nhiên, không cần nỗ lực điều gì => Vậy tại sao tôi cần đổ ngược lại???? Ví dụ: Cô gái tất bật xin nghỉ làm sớm buổi trưa, lao ra chợ mua đồ về nấu cơm rồi bay qua công ty của chàng trai để đưa đồ ăn, chàng trai cầm và vì đã kịp uống bia với sếp, nên đưa cho cậu đồng nghiệp ăn hộp cơm đó.
Giải pháp: bên đổ cần chủ động giao tiếp, giải thích cho bên kia hiểu nỗ lực của bản thân mình. Để ý tới nhu cầu “được nhận nước” của cái cốc kia, chỉ đổ khi đảm bảo được phía đối tác nhận thức được hành động này của mình là cố gắng.
B) 2 cái Cốc không bằng nhau
Đa phần đây là câu chuyện của 2 cái Cốc nhưng có dung tích khác nhau. Cứ tưởng tượng cảm xúc của bạn nam là cốc 100ml, còn cảm xúc của bạn nữ là cốc vại 300ml. Khi bạn nam đổ hết nước, bạn nữ thấy cốc của mình thiếu 2/3!!!! Khi bạn nữ đổ nước, bạn nam ngập ngụa, ngộp thở và chết đuối trong đó.
Đây là câu chuyện rất hay gặp, chẳng hạn bên bạn nam mong muốn thế giới của mình có người yêu, có bạn bè, có gia đình, có sự nghiệp, có Pokémon… Còn thế giới của bạn nữ chỉ có mỗi bạn nam. Hệ quả:
- Anh ơi đang làm gì đấy, đi ăn với em đi? => Đang ăn với bố mẹ.
- Anh ơi đang làm gì đấy, đi chơi với em đi? => Đang hầu sếp.
- Anh ơi đang làm gì đấy, đi shopping với em đi? => Đang đi bắt Pokémon…………….
Chưa bàn tới câu chuyện “thế giới riêng” của mỗi người, để giải quyết câu chuyện này cũng có 2 giải pháp.
- Biến cái cốc của bạn nam thành 200ml, tức là bạn nam cần dành thêm thời gian cho bạn nữ, quan tâm chia sẻ và chăm sóc nhiều hơn. Bạn nữ cần hạn chế quản lý, kiểm soát, bánh bèo… để cái cốc của mình trở về tình trạng chỉ cần 200ml là đầy.
- Nếu không thể làm được cách trên, thì mỗi lúc đổ nước, đừng đổ hết. Cắt nhỏ nó ra, và chỉ đổ tiếp sau khi thấy bên kia đổ ngược lại. Ví dụ bạn nữ đổ 20ml, xong bạn nam cũng đổ lại 20ml. Tức là bạn nữ chỉ rủ 1 lần, bạn nam nên đi, sau đó bạn nam chủ động rủ, bạn nữ lại đi. Còn nếu bạn nam chưa đi được, thì bạn nữ đừng rủ lần 2. Cách này tiêu cực, nhưng ít ra còn hơn là đau khổ vì nhau.
II.3. Nếu Tình yêu thiếu đi phần lý trí – Kiếm không sắc, hoặc sắc nhưng dùng sai thời điểm, sai đối thủ
Theo đánh giá của tôi, đây là phần căng thẳng nhất. Trong quá trình gần chục năm theo đuổi Tarot, đa phần những mâu thuẫn tình yêu lớn nhất, khó giải quyết nhất rơi vào phần này. Tôi sẽ cố gắng tách biệt từng trường hợp nhỏ để các bạn tiện đọc.
Lý trí của mỗi người được Tarot ví với 1 thanh kiếm. Trục trặc xảy ra chủ yếu ở 2 trường hợp lớn.
A) Khi 2 người cùng cầm kiếm chống lại 1 đối thủ bên ngoài nhưng thua
Chúng ta vẫn hay nghe câu chuyện muôn thuở về “gia đình phản đối”, rồi tình yêu tan vỡ. Đó chính là 1 ví dụ của trường hợp này. Hoặc để 1 người 3 nào đó chen vào phá tung tóe mà không cản nổi. Nhưng tại sao họ thua trận??
A1. Trường hợp 1: không xác định đúng vai trò của bản thân
Ai từng xem phim, đọc truyện sẽ biết, mỗi người luôn có 1 năng lực chiến đấu riêng không giống đối phương. Bộ binh thì chắc chắn, lấy giáp, khiên làm trọng. Cung thủ thì lấy sát thương tầm xa làm trọng. Thế giờ xếp đội hình chiến đấu, xong đặt cung thủ lên phía trước bộ binh à?
Vai trò của mỗi người nên được phân chia theo năng lực chứ ko phải theo giới tính hay tuổi tác, đẳng cấp. Cần lưu ý điểm này nhé.
Ví dụ mẹ bạn nam phản đối bạn nữ. Rõ ràng trong mắt bà ấy, bạn nữ là 1 con hồ ly tinh đang quyến rũ con trai yêu dấu của mình. Bạn nữ nếu không xác định đúng vai trò, vị trí của mình mà lại mang kiếm tới đấu khẩu với mẹ chồng tương lai, đương nhiên sẽ thua, bị phản tác dụng, mà kể cả có cố tình bỏ qua, vác cái bầu tới mà cưới nhau, thì hôn nhân sau này cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Vì lúc ý bà mẹ chồng vẫn cứ nhăm nhăm vác kiếm tấn công cô con dâu.
Lúc này, bạn nam phải ý thức được vai trò của mình là cầu nối, cố gắng làm mẹ hiểu thêm về sự biến đổi tích cực của bản thân khi có bạn gái. Bạn đang nói chuyện với mẹ mình, người ko thể ghét bạn được, hãy tận dụng ưu thế đó. Còn bạn nữ ko được nản chí, cũng ko được cáu bẳn chàng trai của mình mà trái lại, cần động viên bạn nam để tinh thần của chàng luôn tốt, còn chiến đấu với mẹ chứ???
Năng lực của mỗi người mỗi khác, cần trao đổi để hiểu rõ vai trò của nhau. Và nhớ, luôn đảm bảo sự công bằng, dù ít dù nhiều. Nếu ko được 50-50, thì hãy cố mà đạt 40-60, chứ đừng để tình trạng 0-100, tức là 1 đứa cầm 2 cái kiếm đánh nhau, đứa kia lăn ra ngủ hoặc đi bắt Pokémon.
A2. Trường hợp 2: có kiếm nhưng không đủ khả năng chiến đấu
Trường hợp này thì đúng là khó rồi, các bạn nghe chắc quá nhiều luôn. Ví dụ: chàng trai là công tử bột, bị mẹ cấm phát bỏ người yêu trong vòng 1 nốt nhạc.
Cái này gần như ko có giải pháp, kém thì chết mà. Chỉ có trong trường hợp đôi bên có sức bền, có sự kiên nhẫn thì về bế quan luyện công, chờ công phu lên cao rồi đánh sau.
B) Khi 2 người cầm kiếm đối chọi với nhau
Đây là trường hợp căng thẳng nhất, mình cũng sẽ phân tích chi tiết nhất.Bình thường trong tình yêu, người ta hiểu đối phương để mà yêu thương, chăm sóc, quan tâm. Nhưng khi 2 bên đang kình chống nhau, thanh kiếm – tức là lý trí của mỗi người – lại dùng để đâm vào điểm yếu của đối phương. Mỗi người lúc đó đều hiểu khá rõ những gì thuộc về thế giới của mình, và ko hiểu rõ lắm hoặc cố tình bỏ qua phần ưu điểm của đối phương. Mỗi người sẽ dùng các nguyên tắc, quan điểm sống của mình để đo đếm mọi việc chứ ko còn quan tâm tới nguyên tắc, quan điểm sống của đối phương nữa. Những thứ được đặt lên bàn cân so sánh thường là:
- Vai trò và đẳng cấp xã hội, các đặc điểm thuộc về hoàn cảnh gia đình
- Sự tự đánh giá về những gì mình đã làm, so sánh 1 cách lệch lạc và khập khiễng với đối phương.
B1. Nếu có lệch lạc về vai trò (năng lực):
Ví dụ 1 bạn nam nhiều trải nghiệm, từng yêu 20 lần đi yêu 1 cô mới yêu lần đầu, tự khắc bạn nam sẽ coi mình là người biết nhiều hơn, khi xử trí các mâu thuẫn trong mối quan hệ sẽ có xu hướng lấn át, vì coi đối phương là người kém mình, hoặc tệ hơn là “Cô biết gì mà nói”. Thực ra bạn nam này cần hiểu, vai trò của mình nên là hướng dẫn, chứ ko phải là o ép và áp đặt. Chỉnh lại thái độ, để đối phương ko nhìn thấy sự áp đặt thì sẽ khá hơn. Tình huống tương tự là học sinh yêu thầy giáo, người già yêu người trẻ…
B2. Nếu có lệch lạc về đẳng cấp xã hội hoặc gia cảnh:
Ví dụ 1 cô nông dân yêu 1 anh giám đốc, họ sẽ thường xuyên mâu thuẫn về các khái niệm chung trong cuộc sống. Ví dụ niềm vui của cô nông dân là vườn rau ko bị sâu, còn niềm vui của anh giám đốc là ký được hợp đồng. Bữa tối của cô gái có thể là bát phở 20k, còn bữa tối của anh chàng là món Âu với cái hóa đơn 2M.
Nếu đặt họ trong thế giới riêng của mình, có lẽ ko sao cả. Nhưng mọi sự sẽ bắt đầu rắc rối nếu họ cùng nhau thực hiện điều gì đó. Sự tệ hại sẽ xảy ra khi cô gái sau 20 phút nỗ lực chỉnh trang make up để đi ăn tối hoành tráng với người yêu, được chàng giám đốc sổ toẹt 1 câu “Nhìn em như bà lao công chỗ anh”. Hoặc khi chàng trai hào hứng khoe hợp đồng mới ký được với tập đoàn Formosa, cô gái tròn mắt chả hiểu gì.
Sẽ có rất nhiều thất vọng từ cả 2 phía, rất nhiều sự chà đạp vô tình từ người có hoàn cảnh tốt hơn lên người yêu của mình, mà hoàn toàn vô tính nhé.
May mắn là trường hợp này ko chiếm đa số, nhưng bản thân tôi có 2 ý muốn nói với những người ở đẳng cấp cao hơn: thứ nhất, hãy ý thức rằng núi cao còn có núi cao hơn, nếu bạn đánh giá bộ quần áo của bạn gái giống của bà lao công, thì 1 ông Tổng giám đốc ở đâu đó cũng sẽ nhìn bộ quần áo bạn đang mặc giống như của anh bồi bàn mà thôi. Thứ hai, để yêu một người, hãy dịch chuyển bản thân mình xuống phía họ 50%, và giúp họ leo lên cao hơn 50%, để sau cùng 2 bạn có thể ở chung 1 vị trí. Người ở đẳng cấp cao hơn, có kiến thức nhiều hơn, nên chìa tay ra hỗ trợ, giúp đỡ hoặc truyền lửa cho người dưới mình chứ ko phải là cố gắng thể hiện bản thân cao hơn người khác như kiểu các bạn trẻ trâu thường làm. Tưởng bạn lớn hơn cơ mà? Không có khái niệm chỗ của bạn là đúng, và chỗ của người kia là sai, định bắt người ta leo 100 tầng lầu à??? Bợ đỡ để nâng người vốn hơn mình cao thêm nữa là cái tiểu nhân thường làm. Chìa tay ra, thậm chí hạ vai xuống cho người dưới mình trèo lên, hỏi có mấy quân tử làm được? Nhưng đây là người yêu của bạn cơ mà???
B3. Trường hợp này chiếm số đông mâu thuẫn phần Kiếm: mâu thuẫn về quan điểm và cách đánh giá.
Các bạn cứ nhớ rằng ở đời ít khi có cái gì đúng hẳn, cái gì sai hẳn. Cái gì cũng có 2 mặt của nó. Chưa bàn cụ thể, nhưng nếu bạn nam cho cái A mình đang làm là đúng, bạn nữ thấy cái A sai và muốn bạn nam làm cái B thì tốt hơn cả, bạn nam hãy làm cái (A+B)/2. Và ngược lại, bạn nữ cũng cần làm 1 cái (C+D)/2 nào đó khi bạn nam ý kiến.
Tôi lấy 1 ví dụ đơn giản, bạn chồng ham vui, coi trọng bè bạn, đi làm về hay uống bia rồi 7h tối mới về nhà ăn cơm. Bạn vợ phản đối, yêu cầu chồng 5h đi làm về là về đón con, rồi về nhà. Tuy nhiên bạn chồng lại phản đối chuyện đánh tá lả ăn tiền cứ 1 triệu 1 ván của bạn vợ, yêu cầu bạn vợ chấm dứt chuyện đó.
Giải pháp: bạn chồng đón con lúc 5h, đưa con đi uống bia tới 6h rồi về nhà. Bạn vợ giảm tiền xuống còn 500k 1 ván. Sau khi quen với giờ mới, mức tiền mới, có thể dịch chuyển thêm sau.
B4. Trường hợp cuối cùng, bi đát nhất, thê thảm nhất: Mâu thuẫn quan điểm + lệch lạc vai trò
Chính là mâu thuẫn y hệt như trên, nhưng 1 người tự coi mình có đẳng cấp cao hơn đối phương nên ko có ý định nhường hay đi chuyển bản thân. Giả định bạn vợ có gia thế, bạn chồng là lao công, luôn bị vợ chèn ép. Lúc này, nếu ko thể chọn giải pháp (A+B)/2 như tôi vừa nói, hãy chọn giải pháp chấp nhận kiểu như sau:
Bạn chồng tiếp tục uống bia, tính là: À, mình đã 1 lần làm đối phương ko vui.
Bạn vợ tiếp tục đánh tá lả 1M 1 ván, tính là mình cũng đã phạm 1 lần cái sai với chồng mình.
Làm gì thì làm, để số lần của chồng = với số lần của vợ là công bằng. Còn nếu ko thể dùng được giải pháp cuối cùng này, có lẽ các bạn nên chia tay.
II.4. Nếu Tình yêu thiếu đi sự thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu thực tế
Phần tiền trao qua trao lại này dễ xử lý trục trặc hơn rất nhiều. Nhưng khổ 1 điểm, nếu ko nhanh chóng nhận ra, hệ quả của nó lại rất lớn. Đa phần sẽ là ngoại tình, ăn chả ăn nem này nọ. Chi tiết thì mâu thuẫn chủ yếu rơi vào 3 trường hợp:
A) Người này ko sẵn sàng đáp ứng 1 cách đầy đủ nhu cầu của người kia
Chính là chuyện “Em ơi anh muốn”, còn cô gái thì rơi nước mắt chia tay vì nghĩ đối phương yêu mình chỉ vì 1 mảnh thịt. Giải pháp cho cái này rất dễ, phía đòi hỏi cần giải thích chi tiết, logic nhất về lý do tại sao mình cần cái đó. Còn phía bị đòi hỏi cần mở thoáng tư tưởng để tìm hiểu về nhu cầu của đối phương. Bước tiếp theo là đi tìm 1 điểm ở giữa, để làm quen dần, ví dụ: nó đòi hôn thì cho nó ôm cái đã. Nó đòi 1 triệu thì cho nó 500k cái đã. Và nhớ lý thuyết về sự công bằng, cho đi thì phải nhận lại, đừng để nó cướp hết của mình, hãy tìm 1 cái gì đó giá trị tương ứng để lấy lại, ko có nó lại nghĩ mình free là hỏng mối quan hệ ngay.
Hệ quả nếu ko xử lý thì các bạn có lẽ hiểu thôi. Thống kê về ly hôn cho thấy có trên 1/3 các ca ly hôn có lý do liên quan tới việc ko thỏa mãn đời sống chăn gối. Có thể dẫn tới ngoại tình trước , ly hôn sau, hoặc ly hôn luôn.
Không chỉ là vấn đề về sex, những nhu cầu cơ bản của mỗi giới tính cũng cần được để tâm. Ví dụ đàn ông chỉ có nhu cầu nói 3000 từ 1 ngày, trong khi phụ nữ lại cần tới 8000. Nếu bạn nam thuộc mẫu Cốc dung tích lớn, lúc nào cũng muốn kè kè tóm chặt lấy bạn nữ, nhưng lại ko có nhu cầu nói chuyện, đảm bảo bạn nữ sẽ cực kỳ bức xúc và hệ quả là sẽ đi tìm 1 ai đó để tâm sự những lúc 1 mình.
Nên nhớ, Kiếm khi ko đánh nhau, là để tập luyện với nhau. Hãy phát huy giao tiếp để hiểu thêm về đối tác của mình.
B)Người này ko hiểu được nhu cầu của người kia
Đa phần vụ này xảy ra cho các bạn trẻ chưa được trang bị kiến thức về giới tính, về xã hội. Đôi lúc cũng có thể do lệch lạc về đẳng cấp và hoàn cảnh nữa. Ví dụ: bạn nữ có thể vừa xem TV vừa đan len, nhưng đừng đòi bạn nam vừa chơi DOTA vừa nói chuyện với mình, vì bọn con trai đa số là single taskers, chỉ làm được 1 việc 1 lúc, luôn có nhu cầu về sự tập trung. Hoặc lúc cãi vã, bạn nam hay cáu bẳn biến luôn khi nghe câu “Thôi mình chia tay đi” của bạn nữ, nhưng cái mà bạn nữ muốn nghe lại là câu “Nầu nầu, em đừng đi”.
Hoặc cô lao công ko hiểu được nhu cầu vuốt keo nửa tiếng của anh bạn trai giám đốc, anh giám đốc thì ko hiểu được nhu cầu uống trà đá vỉa hè của cô bạn gái.
Giải pháp: học, học và học.
Hỏi, hỏi và hỏi.
C) Thừa tiền – tức là 2 bên quá nặng về cho/nhận thực tế mà thiếu đi 3 thứ còn lại.
Không phải là gặp nhiều, nhưng vẫn tồn tại những cặp đôi có đời sống thực tế quá thừa sự viên mãn. Họ ăn uống cùng nhau vui vẻ, đi chơi đi ngủ với nhau cũng rất vui vẻ thỏa mãn, chỉ có điều họ ít cãi nhau vì miệng đa phần là dùng để thơm nhau.
C1. Thừa Tiền nhưng thiếu Kiếm:
Không tranh luận, không cãi nhau, tức là họ ko nhìn ra được điểm nóng giận của đối phương, ko hiểu được đâu là con người đã “tiến hóa” của đối phương.
Và một khi đã cãi nhau, thì vì không có kinh nghiệm và khả năng giải quyết, thiếu Kiếm mà, họ sẽ đứt phựt.
C2. Thừa Tiền, thiếu Gậy
“Em vui là đủ, có phải không” – đấy, tuyên ngôn của cô gái lúc này là thế đấy. Đương nhiên, trường hợp này họ chỉ đang tập trung vào nhu cầu trước mắt mà ko để tâm tới sự phát triển nhu cầu dài hạn. Xét về kinh tế, thừa tiền mà ko đầu tư dài hạn, chỉ nhăm nhăm ăn ăn uống uống đi du lịch giải trí, thì sớm muộn gì cũng hết.
Đúng chứ các bạn?
C3. Thừa Tiền, thiếu Cốc
Đa phần các cặp rơi vào trường này bị lẫn lộn giữa Cốc và Tiền. Họ cho rằng Yêu, tức là chia sẻ cho nhau Tiền. Cốc là thứ lãng mạn cho đẹp thôi. Thực ra ko phải. Nếu thiếu đi sự chia sẻ Cốc tức thời, người ta sẽ nhớ nhung, qua đó tình cảm sẽ bùng phát. Cốc đầy còn làm cho người ta chịu đựng được việc thiếu Tiền. Nhưng nếu đôi này mà thiếu Tiền, họ sẽ đòi hỏi (quyền lợi), và khi ko thể nhanh chóng đáp ứng, họ sẽ nhiều phần trăm lấy cái khác bù vào.
Hãy tưởng tượng 1 cặp đôi dính nhau ngày 8 tiếng, tuần 7 ngày, sau đó cô gái đi du học 1 năm. Nếu Cốc ko đủ, cô gái đa phần sẽ tìm ngay 1 anh khác để trám vào phần nhu cầu đang thiếu (bất kể là nhu cầu gì nhé)
C4. Giải pháp chung cho chuyện Thừa Tiền
Các cụ bảo rồi, cái gì quá cũng ko tốt. Nên các bạn tập san đều nhu cầu của bản thân cho 3 phần còn lại đi, đừng cái gì cũng lấy tiền đắp vào. Tôi biết có bạn nữ tự hào giỏi về khoản making love, cho rằng có mâu thuẫn giời đi nữa thì chàng trai ko thể bỏ được mình. Nhưng trường hợp chàng trai tìm được ai đó khác làm giỏi hơn thì sao nhỉ???
Hạn chế nhé, bớt cái này, thêm cái kia vào.
III. Kết
Phần này có thể gọi là dành cho những bạn lười, ko có nhu cầu đọc hết cái bài dài thườn thượt này. Nói chung để có thể chiến đấu và có được 1 tình yêu hạnh phúc và lâu bền về sau, tôi nghĩ tối thiểu mỗi người chúng ta cần có những gạch đầu dòng sau:
- Hiểu được sự công bằng (theo nghĩa rộng) là cốt lõi để xử lý mọi vấn đề trục trặc.
- Tôn trọng sự khác biệt giữa đối phương với mình
- Cố gắng duy trì và hướng tới sự cân bằng giữa 4 yếu tố: định hướng / cảm xúc / lý trí / nhu cầu.
Nhưng mà nói thật, nếu bạn đọc mỗi phần III này mà bỏ qua I+II thì cũng giống bạn quay cóp 1 bài toán của đứa bạn mà quay được mỗi đáp số ấy 🙁 Nên cố mà hiểu tại sao lại có cái đáp số như này nhé.